Phong cách kiến trúc Đông Dương một nghệ thuật được xưng tụng – Halamp: Đưa đồ gỗ Việt vào thiết kế nội thất

Phong cách kiến trúc Đông Dương một nghệ thuật được xưng tụng

Phong cách kiến trúc Đông Dương một nghệ thuật được xưng tụng

1. Đề dẫn

1.1. Đường hướng xây dựng cơ bản của nhà cầm quyền thuộc địa

Tháng 3/1897, quan Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857 – 1932) đã trình lên Bộ trưởng Thuộc địa Pháp một dự án, bao gồm các điểm chính sau:

  1. Tổ chức một chính phủ chung cho toàn Đông Dương và tổ chức bộ máy cai trị hành chính riêng cho từng xứ thuộc liên bang gồm Bắc, Trung, Nam kỳ của Việt Nam, xứ Ai Lao và xứ Cao Miên;
  2. Sửa đổi lại chế độ tài chính và thiết lập một hệ thống thuế mới phù hợp nhu cầu ngân sách. Nhưng, phải dựa trên cơ sở xã hội cụ thể và chú ý khai thác các phong tục tập quán của dân Đông Dương;
  3. Chú ý xây dựng thiết bị lớn cho Đông Dương như hệ thống đường sắt, đường bộ, sông đào, bến cảng, hải đăng…cần thiết cho công cuộc khai thác;
  4. Phát triển công cuộc thực dân của người Pháp, đẩy mạnh nền sản xuất và thương mại bằng sử dụng lao động bản xứ;
  5. Thiết lập những căn cứ hải quân, đồng thời tổ chức quân đội và hạm đội cho thật vững mạnh để đảm bảo phòng thủ Đông Dương;
  6. Hoàn thành công cuộc bình định và bảo đảm an ninh vùng biên giới Bắc Kỳ;
  7. Khuếch trương ảnh hưởng và mở rộng quyền lợi của nước Pháp ở vùng Viễn đông, nhất là các nước lân cận của Đông Dương (Pierre Clément và Nathalie Lancret. Hà Nội. Chu kỳ biến thái. Các hình thức kiến trúc và đô thị. H.M. trích dịch, đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 11 – 2001, trang K)

Bản vẽ lần đầu tiên thiết kế đại học đông dương Hebrard

Hiểu rõ tiềm năng Văn hóa to lớn của các dân tộc Đông Dương, Paul Doumer tin ở tính khả thi của dự án. Về tiềm năng con người, kể riêng Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, dân số đã vượt ngưỡng 10 triệu; đạt 14.165.000 người năm 1913. Và, cả ngài toàn quyền, cả Bộ thuộc địa Pháp đều biết: Trước ngày mất nước, người Việt đã là “chủ nhân ông” của các TP: Hà Nội, Huế, Sài Gòn – Gia Định và nhiều tỉnh lỵ chững chạc, cùng vô vàn văn vật trăm tuổi, nghìn tuổi; khác nào “mâm bát dọn sẵn” cho kiến trúc đô thị du nhập. Cũng trong năm 1887, Paul Doumer ra quy định: Trên địa bàn Bắc Kỳ, thống nhất tất cả các loại thước thành thước ta mới (bằng 0,40m), thay vì 0,425m như trước kia. Theo đó, một trượng sẽ là 4,0m (riêng Trung kỳ vẫn dùng trượng 4,7m). Việc làm cơ trí của quan toàn quyền đã tạo điều kiện lý tưởng cho thiết kế hình học, khả dĩ dung hòa kiến trúc bản địa – thuộc địa sau này. Từ thập niên 1910 – 1920 người Pháp đã chắc chân ở Đông Dương, các họat động xây dựng cơ bản phục vụ cai trị, phát triển thuộc địa dần đi vào nhịp nhàng. Vận mệnh xây dựng cơ bản ở Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay chính phủ Bảo hộ. Chủ nhân toàn quyền của kiến trúc đô thị thuộc địa bao giờ cũng là những quan lớn cai trị, viên chức “chop bu” Pháp, Việt, các chính khách, sĩ quan cao cấp Pháp, kiều dân nước ngoài, hoặc đại gia, thương nhân mại bản. Hàng loạt kiến trúc kiểu dáng Âu tây đã xuất hiện. Trong đó, nhiều công trình tầm cỡ hoàn thành trong thời Paul Doumer, người được giới chức chính quốc mệnh danh là “Kẻ theo Chủ nghĩa đường sắt”. Rồi công cuộc xây dựng tiếp diễn sang đời các toàn quyền kế vị: Jean Beau (nhiệm kỳ 1902 – 1907) nhà cấp tiến mềm mỏng, chủ trương thành lập nhiều trường học, y tế cục, bệnh viện; Albert Sarraut (1911 – 1914), người quan tâm đến văn hóa giáo dục, Maurice Long (1920 – 1923), người mong muốn phát triển dân trí, hội nhập kinh tế, đẩy mạnh kiến thiết. Năm 1920, nhà cầm quyền Đông Dương áp dụng Luật Cornudet (đã được thực hiện bên chính quốc trước đó một năm). “Đạo luật đề ra quy tắc cho việc xây dựng đô thị, trong tình hình nhiều TP của nước Pháp vừa bị tàn phá sau Chiến tranh thế giới I. Đạo luật cũng qui định: Mọi địa bàn hành chính 10.000 dân trở lên đều phải được quy họach thiết kế đàng hoàng, mở rộng diện tích xây dựng và làm đẹp hơn ngày trước. Các TP lớn phải có một dự án tăng trưởng tổng thể, trù liệu các mặt vệ sinh, khảo cổ học và thẩm mỹ… Đông Dương, với tư cách là một bộ phận của Đế chế Pháp cũng phải thi hành những điều khoản quy định như ở chính quốc. Trong những năm 1920, luật này đã được áp dụng ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Phnom Pênh…” (Pierre Clément và Nathalie Lancret. Hà Nội. Chu kỳ biến thái. Các hình thức kiến trúc và đô thị. H.M. trích dịch, đăng trên TC Xưa và Nay, số tháng 11 – 2001, trang K). Thực tế, văn hóa kiến trúc, kinh nghiệm xây dựng, vốn liếng nghệ thuật đặc sắc của ba quốc gia – dân tộc có lịch sử lâu đời là Việt Nam, Lào, Campuchia đã chinh phục các nhà khai hóa từ khi họ chân ướt chân ráo đến Đông Dương. Và để lĩnh hội văn hóa, nhất là ngôn ngữ bản địa, giới bảo hộ cần không ít thời gian, cho đến khi chính thức áp dụng Đạo Luật Cornudet, tuy chậm hơn chính quốc hai năm, nhưng cũng là khẩn trương rồi. Việc kiến thiết thuộc địa theo kỷ cương xây dựng mới đạt hiệu quả. Mọi công trình lớn nhỏ đều phải thoả mãn biên chỉ lề đường, hè phố, chỉ giới xây dựng. Trường hợp nhà gặp hướng không tốt thì khuyến khích trồng cây trong khuôn viên lấy bóng mát, cải thiện gió lùa. Tại các đô thị lớn bộc lộ không ít biến đổi căn bản và tích cực trong hệ thống hạ tầng, cơ sở sản xuất, công sở, kiến trúc văn hóa – giáo dục, công cộng – dịch vụ, quảng trường, công viên, nhà ở. Mỗi dự án lớn phải qua được xét duyệt của quan toàn quyền hoặc thống sứ, khâm sứ, công sứ. Ví như bản thiết kế Trường Viễn đông Bác cổ của KTS Ernest Hebrard và KTS Charles Batteur đã phải chịu sự xét nét ghê gớm: Đích thân Toàn quyền Merlin duyệt chi tiết từ tháng 2/1925, nhưng mãi tới tháng 11 năm ấy thì người kế nhiệm ông là Monguillo mới chính thức thông qua. Kiến trúc đô thị thuộc địa ban đầu mang tính áp đặt, ít dung hòa thích nghi, lộ rõ “bao cấp hình thức”, dứt khóat kiểu dáng châu Âu. Nhưng mặt khác, hạ tầng, cây xanh được cải thiện nhiều. Chiếm thế thượng phong trong quy họach “sành sỏi” của người Pháp là nhiều tuyến phố Tây, boulevard rộng rãi có trồng cây, trồng cột điện chiếu sáng, tháp nước, thiết bị đô thị, điện khí. Tất cả nhằm biểu dương kiến trúc đô thị mẫu quốc, công nghệ hàng hải, hỏa xa, giao thông cơ giới. Các thể loại mới mẻ được dịp phô diễn trong môi trường quy họach tốt. Ở các bề mặt phố lớn, người Pháp chỉ lựa ra một vài công trình mang tính biểu tượng thay vì thiết kế mới, chỉnh trang dứt điểm toàn tuyến, toàn khu. Trong việc xây dựng hạ tầng tại các TP thuộc địa, người Pháp ưa tối thiểu hóa…

Xem thêm: 

Sở Tài chính Bắc bộ xây dựng 1925-1926, nay là trụ sở Bộ Ngoại giao (Ảnh: Triệu Chiến)

1.2. Sự thiết lập Sở Kiến trúc Quy hoạch Trung ương

Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long yêu cầu lập ở Hà Nội một Cơ quan trung ương về kiến trúc và quản lý đô thị, và KTS Ernest Hebrard được cử đứng đầu cơ quan này. Hebrard có trách nhiệm “vận dụng ở Đông Dương những tiêu chuẩn và nguyên tắc xây dựng, không phải tùy theo điều kiện đất đai và sự vận động của dân cư mà theo nguyên tắc qui họach thúc đẩy phát triển”. Điều nổi bật trong kiến trúc đô thị Đông Dương thời bấy giờ là sự áp đặt, phô trương không gian “văn hóa chính trị” nhập từ Pháp quốc. Áp lực chức vụ đã đành, nhưng danh dự nghề nghiệp thúc đẩy Hebrard và các nhà chuyên môn nhận về mình những thiết kế quan trọng. Khi Hà Nội đã trở thành thủ phủ Đông Dương, người Pháp chính thức chỉnh sửa, thiết kế nâng cấp quy hoạch cho TP này, trong đó, “Một phần lớn qui họach chủ đạo năm 1924 của Hà Nội là dành cho khu vực dinh Toàn quyền, bắt đầu từ phía Hồ Tây” (Đoàn Khắc Tình – “Lịch sử Đô thị Việt Nam, từ nhà nước Văn Lang đến ngày nay”, NXB Hồng Đức – 2018, trang 203). Nhà nước bảo hộ Pháp cho rằng kiến trúc đô thị Đông Dương thuộc địa cần dung hòa chính trị – kinh tế – văn hóa xã hội nửa thực dân nửa phong kiến; từ đó tìm kiếm thuận lợi cho công cuộc khai thác tài nguyên, mở rộng quyền lợi của Pháp. Người Pháp không thể không thích thú chiêm ngưỡng Thăng Long – Hà Nội, Huế, đền tháp Champa, Angkor Vat, Angkor Thom, Thạt Luổng, hệt như khi họ đứng trước những công trình tuyệt vời nơi quê hương mình. Các KTS, họa sĩ trang trí kiến trúc lại càng tin tưởng: Cảnh sắc, tập quán xây dựng, văn hóa bản địa chắc chắn sẽ là những gợi mở thẩm mỹ chưa từng có cho tác phẩm của họ, khi mà trước đó, kiến trúc đô thị truyền thống châu Âu đã là khuôn mẫu khó lay chuyển. Không nghi ngờ gì, phong cách kiến trúc Đông Dương chính là sự tiếp nối ngoạn mục của nghệ thuật thuộc địa; đương nhiên toàn diện, hoàn chỉnh hơn. Nhất là gắn kết với nghệ thuật bản địa bằng phương tiện thiết kế, tập trung vào các tiêu chí sau:

  1. Phô trương văn hóa Pháp và sản phẩm của nó là văn hóa thuộc địa. Tôn vinh vị thế nhà nước bảo hộ, uy lực quân đội viễn chinh Pháp bằng trụ sở công quyền, pháp đình, tòa chóp bu, đại bản doanh, kiến trúc công cộng, văn hóa – giáo dục;
  2. Dùng mẹo mực hình họa, bố cục châu Âu kiến tạo hình khối kiến trúc bề thế, mạch lạc; chào hàng thức cột, hệ cột vòm liên hoàn, hình thức trang trí kiểu Âu điêu luyện nhằm bố cáo nghệ thuật Pháp;
  3. Tham khảo kiến trúc, mỹ thuật bản địa theo quan điểm Á Đông chung chung; tìm kiếm hỗn dung đề tài, không bó hẹp trong khuôn khổ song phương nào cả. Các mô típ Việt – Âu – Champa – Miên – Lào – Thái – Hoa có thể xuất hiện không cần hẹn trước;
  4. Thu xếp hạng mục kiến trúc theo kinh nghiệm châu Âu. Trường hợp công trình thiết chế, quân sự, văn hóa, khoa học tầm cỡ thì chừa bãi rộng làm quảng trường trước nhà chính, kết hợp mô phỏng, mượn cảnh sắc đất nước con người bản địa.

Trụ sở Ngân hàng Đông Dương tại Hà Nội, 1923 – 1928 do Fe’lix Dumail (1883 – 1955) thiết kế

Khác với những điều trình bày trên, có quan điểm cho rằng: “Sự hình thành của phong cách kiến trúc Đông Dương lại có nhiều lý do sâu xa tế nhị hơn. Trong những năm 20 và 30 của thế kỷ 20, phát xít Nhật tuyên truyền học thuyết Đại Đông Á lôi kéo người Việt Nam về phía Nhật và chống Pháp. Để lôi kéo người Việt Nam về phía Pháp, chủ trương của toàn quyền Pháp ở Đông Dương là mị dân, làm sao cho người Việt Nam ủng hộ Pháp hơn. Do đó phải sử dụng thêm nghệ thuật bản xứ để người dân thấy gần gũi với nước Pháp. Phong cách Đông Dương ra đời cũng nhằm mục đích ấy” (Hội KTS Việt Nam, sách Lịch sử Kiến trúc Việt Nam, NXB KHKT – 2015, trang 323). Phe Trục ra đời năm 1936 và Tôn chỉ Đại Đông Á do Thủ tướng Nhật Bản Fumimaro đưa ra vào tháng 8/1940; thì làm sao có thể kích thích sự ra đời (từ 15 năm trước đó) của phong cách kiến trúc Đông Dương?

1.3. Vai trò của Viễn Đông Bác Cổ (tiếng Pháp: École française d’Extrême-Orient, viết tắt EFEO) là một viện nghiên cứu của Cộng hòa Pháp về Đông Phương học, kết quả chủ yếu đúc rút từ thực địa. Tiền thân EFEO là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương từ năm 1898, được chính thức thành lập với tên gọi Viễn đông Bác cổ từ 1900, Viện có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương. Trụ sở đầu tiên của Viện đóng tại Sài Gòn, năm 1902 dời ra Hà Nội, năm 1957 chuyển sang Campuchia, sau 1975 rời Phnôm Pênh về Paris. EFEO đã xây dựng tại Hà Nội một thư viện và một bảo tàng (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam); tiếp đó, thành lập các bảo tàng khác ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia như Đà Nẵng, Sài Gòn, Huế, Phnôm Pênh, Battambang… Về sau, EFEO không ngừng mở thêm các chi nhánh, tại Hồng Kông, Kuala Lumpur, Đài Bắc, Tokyo, Seoul và cuối cùng là phân viện tại Bắc Kinh (khai trương) 1997. Giai đoạn khởi đầu của EFEO ghi dấu ấn nhờ những đóng góp của các học giả lỗi lạc về Đông phương học như Paul Pelliot, Henri Maspero, Paul Demiéville về Hán học, Louis Finot, George Cœdès về khoa văn khắc Đông Dương, Henri Parmentier về khảo cổ học, Paul Mus về lịch sử tôn giáo… Trong hơn một thế kỷ tồn tại, Viện Viễn Đông Bác cổ đã đạt được nhiều thành tựu Đông Phương học quan trọng, có tính nền tảng. Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) đã trở nên danh mục tham khảo không thể thiếu của nhiều sách, bài viết về khảo cổ, lịch sử, nhất là Lịch sử Kiến trúc – Mỹ thuật châu Á và Đông Nam Á. Đặc biệt là trong công tác bảo tồn, tôn tạo di sản kiến trúc, văn vật. Viện Viễn Đông Bác cổ có những ảnh hưởng quan trọng đối với bộ môn Lịch sử Nghệ thuật, kể cả các KTS, họa sĩ, điêu khắc gia Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho đến ngày nay. Mà nếu không học hỏi các chuyên khảo kiến trúc, mỹ thuật, các bản vẽ, ảnh chụp chỉ có ở EFEO thì chắc lẽ khó nghệ sĩ nào theo đuổi được nghệ thuật Đông Dương ngày ấy.

Trụ sở Ngân hàng Đông Dương (Ảnh: Triệu Chiến)

Xem thêm: 

1.4. Vai trò của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Trường này tọa lạc tại nhà số 42 phố Yết Kiêu, P. Cửa Nam, Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội, được xây dựng năm 1924, do hai họa sĩ Victor Tardieu sáng lập. Ngày mới mở, trường mang tên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, gọi tắt là Mỹ thuật Đông Dương, thuộc hệ thống giáo dục đại học (ĐH) của Cộng hòa Pháp. Muốn mở trường phải có quyết định của cấp Bộ trưởng. Kinh phí giảng dạy học tập sẽ do chính phủ Liên bang Đông Dương đài thọ. Ra đời sau trường Mỹ thuật Gia Định hơn mười năm, nhưng Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã vượt trội Mỹ thuật Đệ nhất cấp Gia Định. Năm 1938, trường được tái tổ chức và mang tên Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật thực hành Đông Dương với hai ban chính là Ban Hội họa – Điêu khắc – Sơn mài và Ban Kiến trúc. Từ ngày ra đời, nhà trường đã là nơi gây dựng đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, KTS cho tương lai; trang bị cho họ nền tảng tri thức, học thuật; khai mở cho sinh viên người bản địa tri thức nghệ thuật căn bản cả châu Âu lẫn Á Đông. Nhiều họa sĩ, điêu khắc gia, ra “lò” từ ĐH Mỹ thuật Đông Dương cho đến cuối thế kỷ 20 vẫn thuộc lớp nghệ sĩ hàng đầu của nước Việt Nam mới. Những tuyệt tác mà họ để lại, đến ngày nay vẫn thuộc về nhiều bộ sưu tập bất hủ quốc nội và hải ngoại. Đối với ngành kiến trúc, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng là cái nôi của phong trào tận dụng vật liệu địa phương; đề cao thiết kế giảm thiểu áp lực của hình thức Âu tây du nhập với hệ dầm cột thâm căn cố đế, mái chóp nhọn hay chóp cụt lợp ngói ardoise tốn kém, cửa vòm trên mái phức tạp, tường bao che nặng nề… không tương thích với môi trường nhiệt đới ẩm… Hầu hết KTS tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đều thuộc thế hệ những nhà thiết kế chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Và, không thể không nhớ một điều: Giám đốc Sở Kiến trúc Quy họach Đông Dương Ernest Hebrard (1875 – 1933) và không ít đồng nghiệp của ông còn là những người thầy đầu tiên, giảng lý thuyết và hướng dẫn đồ án cho sinh viên khoa kiến trúc. Sau này, họ còn tin tưởng mời học trò của mình cộng tác trong một số dự án.

1.5. Những tìm kiếm hình thức mới

Cũng tại thời buổi nghệ thuật Đông Dương “phát đạt” tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt, Phnompenh, Vientian…, hiện trạng đô thị được lãnh đạo Sở Kiến trúc Quy hoạch Đông Dương, đứng đầu là Ernest Hebrard quan tâm, đắn đo suy tính. Những chỉnh trang nội đô, lan tỏa phát triển ra ngoại vi của những TP ấy đều tương thích với kiến trúc công trình. Tuy ban đầu các nhà thiết kế xây dựng không khỏi khó xử trước những mâu thuẫn đường nét, hình khối dầm cột, hàng cột vòm liên hoàn kiểu châu Âu với ngôi nhà gỗ dàn trải gian điện cùng vô số trục trặc ngôn ngữ giữa antablement với bộ vì nóc, đấu củng, đầu dư, tay chống… sẽ thể hiện bằng chất liệu nào; cấu tạo đan xen, dung hòa Âu tây – Á đông ra sao? Đề tài du nhập gắn bó với đề tài bản địa thế nào? Chưa kể phải cải biên vì nóc, vì nách, kẻ bẩy, đấu củng, cột trốn, tay chống; nhất là chọn lựa những mảng miếng điêu khắc trang trí vốn nguồn chính tắc hình họa châu Âu. Chuyện cân đối đế nhà – thân tòa nhà – bộ mái cũng không kém nan giải. Sự uyển chuyển đài cơ gian điện ốc đính của ngôi nhà gỗ dễ bị tổn thất khi các hàng cột gỗ, quá giang được thay thế bởi những cây cột, cột giả (piliastre), dầm bê tông gối tựa, vòm cuốn gạch đá bán nguyệt, cung nhọn kiểu Âu đồ sộ và câm lặng. Rồi chuyện có thể hạ thấp tầng áp mái, hoàn trả tỷ lệ ba tầng bậc thành phần kiến trúc?… Còn nữa, màu “ve vàng Đông Dương” ban đầu tỏ ra hấp dẫn; nhưng rồi tràn ngập các công sở, bảo tàng, nhà hát, trường học, dinh thự mãi cũng sinh nhàm chán. Song phải thừa nhận rằng sắc vôi vàng vọt ấy làm dịu đi nhiều cái nắng quanh năm chói chang của xứ nhiệt đới ẩm; lại dễ dàng được cây xanh, thảm cỏ đồng thanh sắc màu. Trang trí mỹ thuật nội ngoại thất công trình Việt – Âu, kiểu dáng chiết trung hay tam giáo cách tân đều khắp vùng miền. Đã xuất hiện những hòa quyện tạo hình Đông Tây kim cổ tài tình chưa từng có. Tuy nhiên, kiến trúc phong cách Đông Dương ngay trong thời buổi hoàng kim của nó khó tránh khỏi khuôn sáo, ôm đồm. Một số thiết kế phô bày trang trí thừa thãi, lấn át những đặc sắc riêng có của Việt Nam, Lào, Campuchia. Chưa kể, không ít KTS người Pháp sưu tập cả những mô típ Trung Hoa, Lào – Thái, Ấn – Miến, Nhật Bản theo một quan niệm Á Đông chung chung; rồi từ định kiến địa lý đánh đồng chúng với đặc sắc nghệ thuật riêng (rất riêng) của các dân tộc Đông Dương. Về mặt này, KTS người Việt tỏ ra tinh tế, có lẽ tư chất KTS – kẻ sĩ đã thôi thúc họ sáng tạo tròn vành rõ nghĩa hơn các đồng nghiệp ngoại quốc. Thực tế số công trình phong cách Đông Dương theo đúng cương lĩnh do Hebrard và đồng nghiệp khởi xướng không nhiều như bàn tán lâu nay. Có bình phẩm chỉ đảo qua thời điểm thiết kế xây dựng hay dựa vào tên tuổi nhà thiết kế từng có tác phẩm phong cách Đông Dương; thậm chí chỉ là những võ đoán qua một số mô típ Việt – Âu – Hoa – Champa – Khmer – Lào – Thái ở phần vỏ hay nội thất, trong khi chính công trình kiến trúc về cơ bản lại hoàn toàn thuộc về phong cách khác. Bên cạnh đó, có thể bắt gặp không ít công trình dường như lặp lại hình thức thuộc địa sơ kỳ, song do địa điểm xây dựng gần xa mà sự hiện diện của chúng vừa đủ thưa thóang để gợi ra một ký ức; vừa có thể giới thiệu “làn điệu” kiến trúc đô thị mới trên nền tảng quy họach bài bản của người Pháp.

1.6. Tay nghề Kiến trúc quy họach bậc thầy

Hậu thế trân trọng nghệ thuật của các: KTS Ernest Hebrard, Henry Vildieu, Felix Dumail, Carpentier, Charles Batteur, Roger Gaston, Gardes, Broyer, Harlay, Delaval, Moncet, Arthur Kruze… Đáng nhớ, trước ngày sang Việt Nam, họ đã là các nhà chuyên nghiệp có tên tuổi của nước Pháp, thậm chí có tên tuổi ở châu Âu như trường hợp Hebrard. Ông từng quy họach Thesaloniki (Hy Lạp), nâng cấp Casablanca (TP miền Tây Maroc) và phục dựng cung Diocletian (Split – Croatia)… Các KTS đô thị gia của Sở Kiến trúc Quy họach Trung ương Đông Dương mong muốn chất lượng thẩm mỹ kiến trúc đô thị hơn là lệ thuộc vào luồng di dân hay sự bùng phát nhà đất. Hebrard đã quy họach một số TP, đầu tiên là Đà Lạt (1923) tiếp đến Hà Nội (1924), Sài Gòn (1928). Thế nhưng, phương án táo bạo của Hebrard cho một Sài Gòn công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á không được thực thi vì đụng chạm tới quyền lợi của giới mại bản Nam kỳ. Nhớ lại, ở Việt Nam lúc đó còn nguyên vẹn kinh thành Huế. Mọi sự thêm vào hay bớt đi đối với cố đô này đều không dễ dàng, nhưng cái chính là người Pháp không có ý định phát triển cố đô này thành trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa khoa học của Đông Dương. Những khó khăn được các KTS ngày ấy giải quyết tốt. Họ đưa ra “kịch bản” gắn kết sự dàn trải bố cục gian điện kiến trúc gỗ với các mặt đứng kết thúc bằng fronton trên cao có trang trí nếp cuộn (volute) hoặc lỗ khuyết, hốc tường. Đồng thời nhấn mạnh hình khối đậm chắc, bề thế cổ điển. Lại tìm cách dung hòa hai bộ mái là xòe rộng và thấp kiểu ta với dốc cao, chóp nhọn hay chóp cụt kiểu tây. Kể cả lấy hình ảnh khải hoàn môn (arc de triomphe) “dán” lên mặt tiền. Trên cơ sở đó, tùy cụ thể điều chỉnh thu hồi, gia giảm độ dốc mái, kể cả dùng mái vạt, ốc đính giản lược, trục nanh tay chống cách điệu. Trong nhà thì khéo hòa trộn architrave, frieze, cornice, đầu cột, antablement – những kết cấu vốn chỉ mực thước khi thuộc hệ dầm cột Hy La đồng điệu với các bộ phận chi tiết kiểu ta, như quá giang, câu đầu, vì nách, cột trốn, đấu đệm, kẻ bảy, tay chống, đấu củng, con sơn, đầu dư, đầu bảy…Không còn nghi ngờ gì, hệ thống kiến trúc đô thị thuộc địa cũng như phong cách Đông Dương thuộc về những nghệ sĩ, những nhà thiết kể Pháp – Việt tài ba, một lòng theo đuổi nền Kiến trúc cận hiện đại đích thực. Nhờ vậy, phong cách Đông Dương thóat khỏi sự khô cứng của kiến trúc thuộc địa trước đó. Và không ai khác ngoài những nghệ sĩ Pháp – Việt, truyền di sức sống bền lâu của phong cách Đông Dương vài ba thập niên về sau; thậm chí lâu hơn thế. Kiến trúc phong cách Đông Dương được thừa hưởng vốn liếng kỹ thuật dồi dào từ kiến trúc thuộc địa, đặc biệt là từ những công trình hạ tầng. lại kịp thời du nhập công nghệ tân kỳ nên ngay từ khi mới xuất hiện chúng đã phô bày cấu trúc, công năng mực thước, kiểu dáng đẹp mới lạ, sớm chinh phục được công chúng người Việt.

1.7. Sự trở lại Âu hóa

Từ thập niên 1930, nhiều KTS đã trở lại với kiểu dáng châu Âu và hết sức tiết chế nghệ thuật bản địa trong tác phẩm của họ. Đã xuất hiện không ít công trình không mấy can hệ tới tôn chỉ của phong cách kiến trúc Đông Dương. Sau ngày Hebrard tạ thế (1933) các nhà thiết kế ở Việt Nam và Đông Dương nói chung trở lại phong trào Âu hóa, dựa hẳn vào Tân cổ điển, Chiết trung hoài cổ, Art – Nouveau hay modernism, nhất là Chủ nghĩa duy lý và Chủ nghĩa biểu hiện đang rầm rộ ở châu Âu ngày bấy giờ. Tuy vậy, phong cách Đông Dương vẫn tiếp diễn, nhưng chủ yếu dưới hình thức cài đặt bố cục, hạng mục, bộ phận kiến trúc hay mảng miếng Á Đông trong màu áo Art – Nouveau, Art – Deco cũng như trong tô điểm hoa viên và nội thất. Sự tiếp diễn kéo dài sang đầu thập kỷ 1950. Riêng ở Hà Nội và tỉnh thành miền Bắc Việt Nam thì dai dẳng hơn, thậm chí bột phát trở lại, sao chép tràn lan liền hai thập niên 1980, 1990.

Xem thêm: 

2.2. Kiến trúc phong cách Đông Dương tại TP HCM

Các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương của Sài Gòn sớm từ bỏ lối rườm rà tân cổ điển Pháp với mái gãy mansart nóng bức, ngói đá chẻ, gờ chỉ hoa lá nhiều, tượng đắp nổi mỹ miều như thấy ở các công trình cùng thời tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt và một vài TP lớn khác. Ở Sài Gòn, các mái nhô, mái che, veranda, eker, pergola, hiên chái, hồi lang cùng lúc xuất hiện với những mô típ trang trí Việt, Hoa, Champa hay Khmer. Tất cả đã làm nên một sự cách tân ngay trong lòng Sài Gòn. Đáng chú ý phong cách Đông Dương chỉ thể nghiệm tại Sài Gòn trong vòng chưa đầy 10 năm; nhà cầm quyền Hòn ngọc Viễn Đông đề ra một khuôn khổ vừa mức cho kiểu dáng Đông Dương tại Sài Gòn.

Trường Petrus Ký

Phòng Thương Mại Edmond và Henry, nay là tòa nhà của Sở thương mại TP HCM – Địa điểm: 45 – 47 bến Chương Dương, Q.1 – TP HCM. Xây dựng năm 1924. Kiến trúc tòa nhà này kiểu tân cổ điển châu Âu nhưng một số mảng miếng và trang trí modern, art-nouveau thì núp dưới hình thức Champa, Khmer. Trước 1975, tòa nhà này được chính quyền Việt Nam Cộng hòa dùng làm hội trường Diên Hồng.

Trường Petrus Ký – Địa điểm: 235 Nguyễn Văn Cừ, Q.5 – TP HCM. Xây dựng năm 1925 – 1928. KTS Ernes Hebrard. Có lẽ đây là công trình phong cách Đông Dương đầu tiên tại Sài Gòn. Các nguyên tắc thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên, tổ chức nhà chính, nhà ngang được xử lý khá giống kiểu dáng Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội; đó là các dãy nhà nhóm trung tâm được bao quanh bởi ba mặt hành lang và mặt thứ tư mở ra sân lớn. Điều này có lý vì Hebrard là người rất thông thuộc Hà Nội. Khối nhà trên mái sảnh trông giống Khuê Văn Các: Cũng mái thu hồi, tường góc xây đậm rõ ra trụ nanh, mặt đồng hồ thay cho cửa tròn khuê văn. Riêng mái phía sau khối sảnh và tháp đồng hồ hơi nâng cao một chút, nhấn nhá tổ hợp trung tâm mặt tiền.

Trường Trung học Pháp Hoa

Trường Trung học Pháp Hoa – Địa điểm: Số 4 Nguyễn Trãi, Q.5, TP HCM. Xây dựng năm 1925. Trường thành lập 1908, cơ sở ban đầu tuỳ tiện. Năm 1925 trường được xây mới, gồm 2 dãy giảng đường hai tầng và khối trung tâm nâng lên 3 tầng. Cả ba tầng bậc khối trung tâm phương đình, từ dưới lên được dẫn dắt bởi hai cây cột ionic thanh tú đứng trước thềm, đỡ attic ghi rõ tên trường. Tiếp đến là dãy cửa sổ hẹp, các mặt hổ phù, tràng hoa, giả hốc tường, giả vòm bán nguyệt trên cao…Cặp console đỡ dàn mái nhỏ chuyển hướng rất độc đáo. Bên trên cùng là một, mái dốc bốn bề. Bốn cửa hoa của tháp đóng khung bát giác (ý bóng gió hình gương chiếu yêu). Trên cao nhất gắn cái đồng hồ to, ba mặt còn lại bố cục bát quái, đường nét ẩn hiện. Nhìn chung, tổng thể Trung học Pháp – Hoa vẫn bảo lưu dáng dấp Thế miếu Huế, riêng mặt tiền khối trung tâm thêm ít nhiều chi tiết tân cổ điển và baroque. Tất cả làm nên vẻ hấp dẫn riêng của nó. Từ năm 1976, trường cải thành Cao đẳng Sư phạm, còn từ 2007 mang tên ĐH Sài Gòn.

Khách sạn Majestic – Địa điểm: Số 1 Đồng Khởi, Q.1 – TP HCM. Xây dựng năm 1925 – 1926 theo thiết kế của KTS người Pháp. Thiết kế cải tạo năm 1965: KTS Ngô Viết Thụ. Hui Bon Hoa (chú Hỏa), vị thương gia huyền thoại là người bỏ vốn đầu tư xây dựng Majestic – một trong 3 khách sạn cao tuổi nhất ở Sài Gòn còn lại đến nay. Ban đầu Mjestic chiếm ba tầng nhà với 44 phòng ngủ. Ngày mới xây dựng, kiến trúc Majestic bị cuốn vào Art – Nouveau, nhưng trong khuôn phép baroque Pháp. Một số người cho rằng trước và sau 1965 Majestich mang phong cách hỗn hợp Baroque – Phục hưng – Cổ điển. Đó là sự nhầm tưởng trước các đường nét uốn lượn và sự tương phản ánh sáng. Không khó nhận ra Majestic bộc lộ khá nhiều tương đồng với tòa nhà Mila ở Barcelona; Đó là bứt khỏi những ràng buộc baroque để đàng hoàng đến với Art – Nouveau. Mỗi ban công trong vô số ban công trên các tầng chỉ có duy nhất một trụ chống có trang trí nếp cuộn, chưa kể nhiều mảng miếng mỹ thuật trong ngoài nhà đều ăn theo tinh thần ấy.

Đền Kỷ Niệm (nay là đền Hùng Vương)

Đền Kỷ niệm (nay là Đền Hùng Vương) – Địa điểm: Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Bến Nghé, Q.1 – TP HCM. Xây dựng năm 1926 – 1927. Đền Kỷ Niệm do người Pháp xây dựng tại Sài Gòn để tưởng niệm những người Việt đi lính cho họ, bị tử trận bên châu Âu trong chiến tranh Thế giới I. Từ 1956, chính quyền Sài Gòn cải thành đền Quốc Tổ Hùng Vương. Đền tọa lạc trên khu đất rộng 730m2 của Thảo Cầm Viên, trông hướng Tây Bắc. Kiểu dáng đền Hùng Vương mô phỏng Thế miếu của cố đô Huế. Ba lối vào từ đằng trước và hai bên đều rộng 11m. Riêng hai bên bố trí hai vườn hoa xinh xắn cỡ 5,4m x 2,8m. Mỗi lối vào có các tầng bậc vượt ba cấp dẫn lên. Cấp nền thứ nhất cạnh dài 26,66m, cao 2,15m gồm 14 bậc thềm, hai bên có đôi rồng chân bốn móng kiểu thời Nguyễn. Cấp nền thứ hai cạnh dài 19,44m, cao 0,7m gồm 6 bậc. Cấp nền thứ ba cạnh dài 13,68m, cao 0,42m gồm 3 bậc. Bên các lối đi xây tường bao cao 1m, dày 0,3m trang trí gạch ô vuông, ô tròn giả như la thành cho thành tăng vẻ uy nghi. Toàn bộ khối đế ba tầng bậc của đền chính cao 3,27m (tượng trưng thiên, địa, nhân)?! Lại được thu nhỏ dần khi lên cao, tạo thế hướng thượng cho ngôi đền. Bên trên phần đế nhà đổ mặt bê tông làm sàn. Đền chính mặt bằng vuông, tổng diện tích sàn hơn 220m2. Toàn bộ tòa nhà cao 9m được 12 cột gỗ sao và hệ thống vì kèo, cột gạch, tường gạch chắc chắn chống đỡ. Mái đền lợp ngói âm dương. Ngoại thất gồm hai phần kiến trúc dưới gạch trên gỗ vươn lên cao hai tầng mái chồng diêm. Từ bậc cửa lên đến tầng mái dưới (độ cao xấp xỉ 3m) có làm thêm một khung mái nhô ra với 4 cột xi măng chống đỡ tạo thành tiền sảnh ở cả ba mặt (đằng trước và hai bên). Mặt sau xây bít làm hậu cung. Phía bên trái điện chính đặt tượng voi lớn bằng đồng rất đẹp, cao 1,5m nặng chừng 3 tấn. Đây là quà quý của vua nước Xiêm Paramindr Maha Prajadhipok tặng, nhân dịp ngài đáp chuyến tàu biển tới Sài Gòn hồi 1930. Nhiều người cho rằng đây là tượng voi đồng lớn nhất nước ta với cách tạo hình sở trường của Thái Lan.

Chợ Tân Định – Địa điểm: Đường Hai Bà Trưng Q.1, TP HCM. Xây dựng năm 1926 – 1927. Thiết kế: Công ty khảo sát và Xây dựng SIDEC. Khác với chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Tân Định không có “phố chợ” trong chợ vì được thiết kế như một nhà lồng. Bên trong chợ không gian rộng lớn, kèo mái và các cột đúc bê tông cốt thép, xưa lợp mái ngói. Có lẽ người thiết kế không che dấu việc lấy cảm hứng từ nhà thờ Tân Định ở gần đó. Nhưng kiến trúc ngôi chợ tự khẳng định nhờ đường dân sinh, lại càng thu hút cảm tình của người dân TP và khách thập phương về đây mua sắm.

Chợ Bình Tây (chợ Lớn) – Địa điểm: Đường Hậu Giang, P. Bình Tây, Q.6 – TP HCM. Xây dựng năm 1928 – 1930. Năm 1928, chính quyền Chợ Lớn dự định xây chợ mới nhưng chưa có tìm ra kinh phí và mặt bằng. Biết chuyện, thương nhân Quách Đàm bỏ tiền mua đám đất sình lầy rộng trên 25.000m² ở thôn Bình Tây, cho san lấp rồi đề xuất với quan Tham biện người Pháp: Quách Đàm sẽ bỏ toàn bộ tiền xây chợ mới bằng bê tông cốt sắt, chỉ xin hai điều: Một là xây cất kèm theo mấy dãy phố lầu quanh chợ. Thực tế là khách hàng đã ứng tiền mua các căn hộ từ trước khi xây chợ, kiểu mua bán trên bản vẽ thiết kế. Số tiền ứng trước của họ thừa đủ để Quách Đàm dùng xây chợ Bình Tây; hai là dựng tượng họ Quách ở cửa chính của chợ. Chợ xây xong, tên chính thức là chợ Bình Tây, nhưng cánh tiểu thương người Việt, người Hoa thường gọi là chợ Quách Đàm, như một cách cảm ơn người xây dựng cho họ một khu chợ rộng rãi, khang trang để làm ăn buôn bán. Chợ Bình Tây xuất hiện như một quần thể kiến trúc đồng bộ và khá hưng phấn phong cách Đông Dương Sài Gòn. Mái tại góc các dãy phố chợ có sống lượn cong, mái chợ cũng cùng kiểu và thêm con rồng trang trí trên đỉnh tháp đồng hồ. Các mô típ Á Đông được sử dụng không hạn chế, tuy chợ xây bằng bê tông cốt thép. So với chợ Bến thành chợ Bình Tây rộng lớn hơn. Sân trong chợ lộ thiên, rộng thoáng, trông na ná quảng trường bên châu Âu, cũng bùng binh đàng hoàng, khác hẳn cung cách “bãi chợ” xưa nay. Sân trong đã làm dịu đi cái bức bối, quay cuồng mua bán. Chợ Bình Tây to lớn nhưng ngăn nắp thóang mát, riêng pho tượng Quách Đàm bằng đồng đen, được chủ nhân cầu kỳ thuê đúc tận bên Pháp theo kiểu dáng Trung Hoa. Tượng đặt trên bệ cao, phục sức đời Thanh, đầu đội nón nhỏ, tóc kết đuôi sam, bên ngoài áo thụng là áo mềm cộc, trên ngực gắn đầy huy chương, tay cầm bản đồ. Dưới chân tượng có đôi kỳ lân chầu và rồng phun nước. Hiện nay, tượng Quách Đàm được đưa về bảo quản tại Phòng VH-TT quận 6. Kể thêm, họ Quách phiêu dạt sang ta với hai bàn tay trắng, ban đầu làm nghề thu mua lông vịt, đồng nát. Nhờ cần cù chịu khó, tích cóp vốn liếng, chớp thời cơ kinh doanh Quách Đàm đã gây dựng nên hãng buôn Thông Hiệp; lại phất lên nữa nhờ kinh doanh địa ốc và trở thành đại phú hạng nhất nhì Sài Gòn những năm 1930 – 1940.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (tên ban đầu Blanchard de la Brosse) – Địa điểm: 2bis Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Bến Nghé, Q.1 – TP HCM. Xây dựng năm 1927 – 1929. KTS Delaval. Năm 1927, nhà sưu tầm cổ vật Holbé qua đời, để lại nhiều cổ vật trị giá 45.000 đồng Đông Dương (số tiền rất lớn ngày bấy giờ). Để mua lại số cổ vật này, Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes I Indochinoises) đã tổ chức phiên họp bất thường, quyết nghị xin 5 hội viên hảo tâm cho mượn trước số tiền trên, đồng thời xin phép chính quyền cho mở lạc quyên để lấy tiền hoàn lại các nhà hảo tâm. Hội NCĐD cam kết sẽ tặng lại nhà nước số cổ vật mua được. Tiếp đó, đề nghị chính quyền xây nhà bảo tàng, và dành cho Hội phòng làm trụ sở và thư viện chứa hơn 5.000 tài liệu về Đông Dương và các nước Viễn Đông. Ngày 28/11/1927, Thống đốc Blanchard de la Brosse ký quyết định thành lập Bảo tàng mang tên ông, đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của chính quyền Nam Kỳ và sự giám sát khoa học của Viễn đông Bác cổ. Đến 20/10/1945 Bảo tàng Blanchard de la Brosse được đổi tên thành Gia Định bảo tàng viện. Từ năm 1956, được gọi là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Năm 1960, bảo tàng được mở rộng thêm phía sau theo phong cách có từ trước và cùng với đền thờ Quốc tổ Hùng Vương gần đấy hợp thành quần thể văn hóa lịch sử đặc biệt. Công trình nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, trên nền đất dinh Tân Xá cũ. Ban đầu, công trình dự định làm nơi triển lãm lúa gạo, sau đổi thành nhà bảo tàng kiêm nơi nghiên cứu nhân chủng, khảo cổ và dân tộc học hướng vào văn hóa Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Bảo tàng Blanchard de la Brosse khá đồng điệu với Viễn đông Bác cổ Hà Nội ở sự dàn trải các mô típ Á đông trong bố cục châu Âu. Sảnh có dạng hình bát quái với mái nhô tám cạnh vút cong ở các góc. Mái lợp ngói âm dương, được đấu củng đỡ lấy. Khối trung tâm, kiến trúc kiểu vọng lâu, cao vượt hẳn mặt nhà, chạy ngang bên dưới với hàng ngang liên hoàn trụ, lan can. Nhà bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Sài Gòn trông giông giống cung điện tân cổ điển châu Âu (Nguồn tài liệu: Sài Gòn 1698 – 1998, NXB TP HCM – 1998, trang 117).

Nhà chú Hỏa – Địa điểm: Số 97A Phó Đức Chính, P. Nguyễn Thái Bình, Q.I – TP HCM. Xây dựng năm 1929 – 1934. KTS Rivera. Người Sài Gòn xưa gọi Nhà Chú Hỏa là theo tên ông chủ Hứa Bổn Hòa (Hui Bon Hoa, 1845 – ?). Họ Hứa khởi nghiệp bằng nghề cầm đồ sau phát tài nhờ kinh doanh địa ốc. Hứa Bổn Hòa từng sở hữu hơn 20.000 căn hộ cho thuê. Nhà chú Hỏa là nhà cầm đồ kiêm nơi giao dịch và ăn ở của họ Hứa. Nhà chính và hai nhà phụ cách mặt đường không đều nhau. Nhà Chú Hỏa lai tạp baroque – art deco nhưng trang trí tô điểm kiểu kiến trúc của người Âu trong tô giới của họ trên đất Trung Quốc. Rõ nhất là sử dụng một dải mái dốc gắn vào thân tòa nhà, thay cho các vòm che sảnh, cửa ra vào, cửa sổ…Tầng áp mái đẹp độc đáo, trong khi motíp Trung Hoa và nội thất modern vẫn có chỗ phô diễn. Thành thử Nhà chú Hỏa luôn bắt mắt giữa nhiều kiến trúc đông tây kim cổ đang mọc lên rầm rộ ngổn ngang trên đất Sài Gòn bấy giờ (Theo Toàn Nguyễn, Tòa biệt thự 99 cửa ở Sài Gòn và những bí ẩn chưa giải đáp về giai thoại “Con ma nhà họ Hứa”).

Nhà Chú Hoả, 97 Phó ĐỨc Chính, nay là Bảo Tàng Mỹ Thuật TP HCM (Ảnh: Trần Việt Đức)

Ngân hàng Đông Dương – Địa điểm: Số 9 Bến Chương Dương, Q, 1 – TP HCM. Xd 1930. KTS Felix Dumail. Xưa đây là đất chợ Sỏi sầm uất của Sài Gòn. Từ năm 1920 trở đi, một số trụ sở ngân hàng được xây dựng trên đất này, trong đó Ngân hàng Đông Dương bề thế hơn cả sau lần xây dựng 1930. Tòa nhà khá đậm đặc chi tiết trên cao, bộc lộ rõ mảng miếng Champa. Cột khía rãnh và đầu cột tán vuông giống như cột trụ và cột giả ở đền tháp Champa. Bề mặt giả sa thạch của tòa nhà là bất ngờ lớn nhất, “kéo” dáng vẻ cổ điển lại gần với modern – thô mộc .

Khách sạn Grand (Le Grand Hotel Saigon) – Địa điểm: Số 8 đường Đồng Khởi, P. Bến Nghé, Q.1 – TP HCM. Xây dựng 1930. Đầu tiên khách sạn này tên là Le Grand Hotel (Đại lữ quán) như giấy phép cấp cho Henry Chavigny de la Chevrotiere tháng 10 / 1928. Grand Hotel Saigon 2 tầng, dáng dấp art – deco sơ khai; sau nâng thêm một tầng là 3. Le Grand Hotel thực sự gây ấn tượng: Khối góc nhà trở lại với donjon kiểu Pháp trung cổ. Bên trên donjon là khối eker cuốn vòm Byzantine, độc đáo không những chỉ ở Sài Gòn bấy giờ mà ngay tại châu Âu cũng hiếm, đại loại như tìm về cảm hứng byzantine – roman như ở nhà thờ Sacre’ Coeur (Paris, KTS Paul Abadie) trước đó ba thập kỷ. Tên gọi khách sạn Đồng Khởi có từ năm 1989. Năm 1995 khách sạn được sửa chữa lớn, nâng cấp 40 phòng cũ thành 25 phòng sang trọng. Dự kiến xây dựng bổ xung, về phía đường Đồng Khởi, thêm khối cao 160 phòng.

2.3. Di sản tại Đà Lạt

Trường Petit Lyce’e Dalat – Địa điểm: 29 Yersin, TP Đà Lạt. Xây dựng năm 1929 – 1937. KTS Moncet. Trường thành lập 1927, dành cho con em người Pháp và một số học sinh người Việt thế gia vọng tộc. Tên ban đầu của trường là Petit Lyce’e Dalat, năm 1932 đổi thành Grand Lyce’e Yersin de Dalat. Ngày xưa đất trường rộng gần 30 ha, phía Đông giáp suối ngàn, phía Tây giáp hồ Đà Lạt, phía Bắc giáp đường Sương Nguyệt Ánh và phía Nam giáp đất Sở địa dư Đông Dương. Nay đất cát chỉ còn chưa đầy một nửa, do bị dân chiếm dụng, thành thử nhà trường phải mở thêm con đường làm ranh giới riêng. Trường Petit Lyce’e Dalat xây dựng kinh qua 2 giai đoạn. Giai đoạn I (1929 – 1932) theo mẫu trường học bên Pháp; giai đoạn II (trong năm 1937) xây thêm dãy lớp học hình vòng cung rất đẹp, đầy ấn tượng, nay đã thành thương hiệu kiến trúc của nó. Gạch xây tường chuyên chở từ châu Âu sang, màu đỏ để trần không trát; mái trường lợp bằng ngói đặt cũng hàng bên Pháp. Nay lớp ngói lợp xưa đã được thay thế. Điểm nhấn của dãy nhà hình vòng cung là tháp chuông. Phía bên ngoài tháp trước đây có 1 đồng hồ lớn. Bên trên tháp chuông cũng không còn chuông, do bị tháo dỡ từ trước 1975. Cũng trong giai đoạn II xây thêm khối Hiệu trưởng, nhà văn phòng, các phòng thí nghiệm và giảng đường lớn. Hành lang nối các dãy nhà thì sau 1955 mới có. Theo nguồn tin từ Hội KTS tỉnh Lâm Đồng, trường Yersin được Hiệp hội KTS Thế giới (UIA) xếp hạng trong số 1.000 công trình đặc sắc nhất Thế kỷ 20. Có lẽ dựa trên bối cảnh Việt Nam mà nhiều ý kiến cho rằng trường này mang phong cách kiến trúc Đông Dương; còn nhìn chung trường Yersin biểu hiện sự cách tân xuất sắc nghệ thuật trung cổ và truyền thống Bắc Âu.

Dinh I (nằm trên đường Trần Quang Diệu – TP Đà Lạt). Xây dựng giữa thập niên 1920. Dinh I tọa lạc trên một ngọn đồi rộng 1.550m². Tòa nhà này vốn do triệu phú Robert Clement Bourgery xây cất, sau Bảo Đại mua lại (1949). Đến năm 1956 trở thành dinh Tổng thống Ngô Đình Diệm. Khi ấy được tu sửa và xây dựng bổ sung một đường hầm thóat hiểm. Dinh gồm tầng hầm, tầng trệt và một tầng lầu. Nửa dưới tầng trệt xây bằng đá chẻ. Đây là một quần thể đẹp, sang trọng và hoàn chỉnh. Nhìn từ ngoài, đập vào mắt là các mái ngói đỏ, tường vàng và những ô cửa sổ gỗ màu xanh; ở tầng trệt các cửa sổ với vòm cung tròn kết hợp cùng một mái đón bằng ngang, trông như một biến thái cổ điển. Mặt bằng đối xứng, lối vào chính giữa, hệ thống cầu thang và hành lang mở ra hai bên. Tầng trệt gồm sảnh lớn, phòng khách, phòng họp, còn ở lầu trên bố trí các buồng ngủ bao quanh một hành lang giữa. Lại mở nhiều cửa sổ cao rộng, vuông vức. Các đuôi mái bẻ góc và được trang trí bởi mấy cái ống khói. Ngoài ra trong khuôn viên dinh I còn nhiều hạng mục khác như nhà Ngự lâm quân, nhà đày tớ, đài phun nước, hoa viên, lối đi dạo…

Dinh II (nằm trên đường Trần Hưng Đạo – TP Đà Lạt). Xây dựng năm 1933 – 1937. Dinh II còn được gọi là Dinh Toàn quyền vì đây từng là biệt thự mùa hè của Toàn quyền Decoux. một tòa lâu đài, với 25 phòng lớn nhỏ trần thiết bài trí sang trọng. Các mái bằng đồ sộ, khối lớn không đối xứng nhưng cân bằng, êm thấm. Trong nhà, các phòng bố trí thoáng đạt, tự do. Ở tầng trệt các phòng làm việc, tiếp khách gắn liền với tiểu công viên, còn tất cả phòng ngủ hợp thành nhóm xung quanh đại sảnh. Phía cuối sảnh bối trí cầu thang. Mái hiên hình vòng cung, kiêm sân trời cho tầng hai. Toàn bộ tầng lầu dành cho sinh họat gia đỉnh. Dinh II tuy đơn giản, nhưng nhiều mảng khối sinh động. Các đầu máng xối cong kiểu dáng art – nouveau. Đặc biệt dinh II sử dụng vật liệu đá rửa màu hồng phủ tường ngoài. Nhiều bộ phận kiến trúc ban đầu làm bằng gỗ sau được thay thế bằng đồ kim khí mang từ Pháp sang. Bên phải dinh II có sân lộ thiên, xây đài phun nước và dựng tượng thần vệ nữ sơn nhũ vàng giống như ở dinh I.

Dinh III (nằm trên đường Triệu Việt Vương – Tp Đà Lạt). Xây dựng năm 1933 – 1938; thiết kế: KTS Paul Veysseyre và KTS Huỳnh Tấn Phát. Dinh III là biệt điện của vua Bảo Đại; dinh nằm trên một quả đồi rộng 1.539m². Trong quy họach của Ernest Hebrard, đất này vốn dự định dành xây dinh thự cho quan Toàn quyền. Bên cạnh dinh, phía cổng vào có một vườn hoa nhỏ, bố cục sân vườn và xén tỉa hoa lá kiểu Le Notre ở cung điện Versaile bên Pháp. Dinh III kiểu dáng modern. Mái bằng dứt khoát, mảng khối cân đối; đằng trước sảnh chính làm mái hiên hình vòng cung vươn ra đón khách dừng xe. Tầng trệt bố trí các phòng khách, phòng làm việc, văn phòng Bảo Đại, thư viện, phòng nghỉ, phòng ăn lớn. Tầng lầu dành cho sinh hoạt gia đình với các phòng ngủ của nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa và một số phòng phụ. Một sân thượng mang tên Vọng Nguyệt Lâu thông với phòng ngủ của vua Bảo Đại để ngài ngắm cảnh.

Ga đường sắt Đà Lạt – Địa điểm: TP Đà Lạt; khánh thành 1938. Thiết kế của các KTS, kỹ sư Pháp, Áo. Ký duyệt: KTS Trần Hữu Tiềm, Giám đốc sở Giao thông Công chính Đà Lạt. Do chênh lệch độ cao, để lên được ga Đà Lạt người ta phải thiết kế nhiều cung đường sắt dích dắc, có mấy đoạn xuyên qua lòng núi. Thiết bị hoả xa đường sắt và đầu máy được người Pháp đặt hàng bên Thuỵ Sĩ. Từ năm 1933, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt dài 84 km đi vào khai thác. Đây là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam; song le sau 1975 đã bị tháo dỡ bán sắt vụn gần hết. Tại ga Đà Lạt hiện chỉ còn duy nhất một đầu máy hơi nước chạy than củi, hai chiếc khác thì đã được Bảo tàng Hỏa xa Thụy Sĩ mua lại. Đến giữa thế kỷ 20 ga Đà Lạt vẫn được xem là nhà ga đường sắt đẹp nhất Đông Dương thậm chí nhất Đông Nam Á. Ý tưởng ba đỉnh núi Langbian nhấp nhô ở mặt tiền ga Đà Lạt làm nên huyền thoại về nó. Vậy như trước ngày ga Đà Lạt ra đời một phần tư thế kỷ, đã xuất hiện hai ga đường sắt ở ngoại vi Paris kiểu dáng tương tự. Ở ga Đà Lạt các nhà thiết kế đã sử dụng khung thép và mở rộng tối đa lòng nhà ga bằng 3 dãy dọc (nase) liền nhau. Người Đà Lạt thường tự hào: Đây là ga đường sắt duy nhất của Việt Nam được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Ga Đà Lạt khánh thành năm 1938. Thiếtkees của các KTS và công trình sư Pháp, Áo. (Ảnh Trần Công Hoà – Hội KTS Lâm Đồng)

Trường Nữ Couvent des Oiseaux – Địa điểm: Góc đường Huyền Trân Công chúa – Hoàng Văn Thụ, P.5 – TP Đà Lạt. Xây dựng năm 1935. Trường này còn có tên gọi khác là Trường Đức Bà Lâm Viên. Đây là trường dành riêng cho nữ sinh con nhà giầu người Pháp, Việt, Campuchia, Lào theo học chương trình trung học Pháp. Việc giáo dục ở trường này rất chu đáo và nghiêm khắc. Ngày xưa Hoàng hậu Nam Phương – vợ vua Bảo Đại, từng theo học ở đây. Từ 1988, Trường Nữ Couvent des Oiseaux chuyển thành Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng.

Sở Địa dư Đông Dương – Địa điểm: Số 14 đường Yersin – TP Đà Lạt. Xây dựng năm 1939 – 1943. Sở Địa dư Đông Dương vốn được thành lập năm 1894 tại Hà Nội với nhiệm vụ biên tập, vẽ và in ấn bản đồ toàn liên bang. Đến năm 1940, trụ sở chuyển từ Hà Nội vào Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cơ quan này được cải thành Nha Địa dư Quốc gia. Sau năm 1975, đổi thành Xưởng in 2, trực thuộc Cục Bản đồ, do Bộ Tổng tham mưu Quân đội NDVN quản lý. Tòa nhà khá đồ sộ, có hơi hướng nhà sàn dài nằm gần Trường Cao đẳng Sư phạm và không xa nhà ga TP.

2.4. Tại một số tỉnh thành

Nhà Bưu điện Hải Phòng – Địa điểm: Số 5 phố Nguyễn Tri Phương – TP Hải Phòng; Xây dựng 1929 – 1930. Đây là một trong số công trình đạt tới giải pháp hình khối và mặt đứng nhuần nhuyễn, mà trước đó từng bộc lộ không ít sơ suất trong kiến trúc thuộc địa và tiền kỳ nghệ thuật Đông Dương. Đó là giải pháp hòa trộn khá “ngọt” kiểu dáng đầu hồi, vốn chỉ đóng vai thứ yếu trên bề mặt thân tòa nhà nhà truyền thống Việt với trán tường (fronton) kinh điển châu Âu.

Chùa Cổ Lễ – Địa điểm: Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Xây dựng mới và bổ sung 1920 – 1927. Thiết kế: Hòa thượng Phạm Quang Tuyên. Chùa Cổ Lễ tên chữ là Thần Quang tự, vốn có từ thời Lý do Nguyễn Minh Không lập ra. Minh Không chính là người chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông và được phong Quốc sư. Chùa Cổ Lễ vừa thờ Phật, vừa thờ Nguyễn Minh Không. Ngoài ra thờ đức thánh Trần và 2 vị đại khoa người làng Cổ Lễ. Năm 1920, chùa được xây mới hoàn toàn. Vật liệu chính là gạch, vữa, xi măng. Gò đất giữa hồ nước trong chùa là nơi để quả chuông lớn, đường kính miệng chuông xấp xỉ 2m. Chuông cao 4m, nặng gần 9.000kg. Khu thờ cúng xây lầu cao toàn bằng gạch, giữa hai cột xây vòm cuốn. Tòa Phật giáo hội quán, đúng như tên gọi của nó, ra vẻ kiến trúc đạo quán hơn là chùa. Mái vòm chùa chính tạo không gian hẹp ngang nhưng vươn cao và hút sâu, lộ rõ hệ thống cột và các thanh giằng bê tông kiểu khung sườn gothic sơ kỳ. Bởi thế ở chùa Cổ lễ, người xưa không câu nệ bày tượng phật ở nơi nào có thể, kể cả trên các thanh giằng bê tông mà không kèm theo đài bệ ban thờ. Khác nào coi thần phật như các thánh tông đồ bên Công giáo(?) Nếu ngắm mấy cái đầu cột thì đồ rằng Hòa thượng Phạm Quang Tuyên lấy cảm hứng từ nghệ thuật Orissa (Trung cổ Bắc Ấn Độ), trong khi trên thân các cột cái lại tô vẽ dày đặc chữ nho. Dễ đến cả quyển kinh chứ không ít. Quãng năm 1926 – 1927, lại dựng trước chùa tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa 12 tầng hình bát giác, cao tổng cộng 32m. Cả tòa Cửu phẩm đồ sộ ấy đặt trên lưng một con rùa vĩ đại, đầu rùa hướng vào phía chùa. Có thể thấy tháp Cổ Lễ ít nhất hòa trộn 2 kiểu dáng là tháp Đế Thiên bên Campuchia và kiểu tháp “đụn gạo” vùng Bắc Ấn Độ. Có điều tháp chùa Cổ Lễ lại được xây chất ngất kiểu “nhất trụ kình thiên”. Phải chăng bởi thế mà Phạm hòa thượng lấy hình rùa làm hoành địa (?)…Chưa kể trong chùa, tượng phật được tôn trí chênh vênh trên dầm, xà dưới chỗ có vòm cuốn. Tượng chư Phật an tọa trên cao như thể ngồi trong hốc tường không có hậu chẩm, cũng chẳng đóng khung bao lam. Thành thử thân dựa hẳn vào cột cái, cột trốn, xà nhà (mà thể theo cung cách gothic ở chùa này thì đích thị đó là những contreforce, arcbutan ẩn phía trong tường, dưới mái) nhưng xem ra chư Phật chẳng mấy tĩnh tại, lại có phần vắt vẻo là lạ….Hậu thế phải kính nể người vẽ nên chùa Cổ Lễ. Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đã khéo hòa trộn mảng miếng Phật giáo Bắc Ấn Độ và cấu trúc vòm cột, nếp cuộn châu Âu với sở trường Phật giáo bản địa. Hơn nữa ngài còn nhấn mạnh cả biểu trưng, bố cục hình khối lẫn trang trí sao cho kiểu dáng truyền thống Việt luôn nổi bật và chiếm thế thượng phong cả bên trong lẫn bên ngoài cửa Phật. Đành rằng phật tử và khách thập phương còn bắt gặp đâu đó các thủ pháp dễ dãi, ngộ nghĩnh ở chùa Cổ Lễ. Thế nhưng cho đến nay chưa thấy ai than phiền chuyện ấy. Vì lẽ vượt trên tất cả, Cổ Lễ bao giờ cũng là ngôi chùa Việt đích thực. Phải chăng từ chỗ cảm mến vẻ đẹp của nó mà tín đồ thêm rốt ráo chấp kinh (?)

Cung An Định – Địa điểm: Số 97 Phan Đình Phùng, TP Huế; Xây dựng năm 1918 – giữa thập niên 1920. Tuy hung công trước ngày thành lập Sở Kiến trúc Q uy hoạch Đông Dương nhưng cung An Định đã hội tụ đầy đủ phẩm chất nghệ thuật Đông Dương. Cung điện này nguyên là phủ Phụng Hóa của hoàng tử Bửu Đảo. Năm 1916, hoàng tử lên ngôi vua – Khải Định, hai năm sau ngài cho cải tạo phủ thành cung An Định. Từ năm 1922, An Định trở thành cung riêng của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này). Sau ngày Bảo Đại thoái vị, Thái hậu Từ Cung chuyển về sống ở đây. Cung An Định trông hướng tí ngọ, nằm trên ruộng đất rất đẹp bên sông Hương, rộng rãi bằng phẳng và rộng tới 23.463m². Quần thể cung điện được bao bọc bởi la thàn là hệ thống tường xây gạch vồ dày 0,5m, cao 1,8m, trồng rào sắt bảo vệ bên trên. Quần thể gồm 10 hạng mục kiến trúc, bố cục phân tán nhưng bám lấy trục đạo Bắc – Nam cho hợp hướng Tý Ngọ. Mỗi công trình không kết thông với công trình bên cạnh mà độc lập khép kín như nhà cửa bên châu Âu. Trong khuôn viên rộng lớn của cung An Định có nhiều khoảnh vườn cảnh châu Âu, nhiều bức tượng xi măng đề tài nước ngoài do nghệ nhân Việt Nam tạo tác… Trong bài dẫn về cung An Định (Ngự chế An Định Cung dẫn), do Khải Định soạn tháng 8/1920, đắp nổi thành chữ trên bình phong trước hành lang tầng 3 lầu Khải Tường, có đoạn: “Trẫm trước khi lên ngôi, ở lâu đài tại điện riêng. Năm Nhâm Dần (1902), theo lệ ra phủ, chính nơi này, mùa hè năm Bính Tý (1916) làm lễ Tân Quang. Mùa thu năm Đinh Tỵ (1917) lấy bổng lộc Vua, nhân nền móng ấy, thuê thợ đổi dựng lại. Mùa đông năm Mậu Ngọ, cuối 1918 đầu 1919, thì xong”. “Nghĩ rằng đấy là nơi phát điềm lành nên cho đặt tên lầu Khải Tường. Sai mua đồ dựng để trang hoàng bày biện, nhất thiết không đụng đến kho nhà nước, bởi vì đây không phải là việc chung. Ban nó cho Hoàng tử trưởng Vĩnh Thuỵ làm của riêng để tỏ lòng yêu thương đặc biệt”. Kể từ bờ Nam sông Hương, đến cổng sau cung An Định có những hạng mục thành phần: Bến Thuyền, Chính môn; đình Trung Lập, lầu Khải Tường; đài Cửu Tư, chuồng thú, nhà sách, hồ nước, vườn cung. Ngoài ra còn có Hân Vinh từ, còn gọi là Nội từ đường ở bên trái và phủ Quốc Công và Ngoại từ đường của Thái Hậu Từ Cung, kiêm nơi thờ phụng tổ tiên, nằm bên phải lầu Khải Tường. Hai công trình này đều xây gạch tường rào, cổng riêng. Đến nay, cung An Định còn 6 hạng mục khá nguyên vẹn: Bến thuyền, Chính môn, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, Nội từ đường, Ngoại từ đường và số ít công trình phụ xây dựng sau này: 1) Chính môn là tam quan hai tầng, trang trí ghép mảnh sành sứ cầu kỳ và đẹp; 2) Đình Trung Lập kiểu lầu bát giác, nền cao. Trong đình đặt tượng vua Khải Định to bằng người thật (làm năm 1920); 3) Lầu Khải Tường là công trình chính của cung An Định, chiếm một diện tích đất 745m² đằng sau đình Trung Lập. Tên chữ “Khải tường” (vua Khải Định đặt) có nghĩa là nơi khởi phát điềm lành. Lầu Khải Tường 3 tầng, kiểu lâu đài bên châu Âu. Trang trí rất cầu kỳ, nhất là nội thất tầng 1 với nhiều tranh đẹp treo tường. Tất cả cho thấy rõ sự kết hợp hiệu quả giữa kỹ thuật bê tông cốt thép với bản lĩnh thổ mộc của người Việt. Kiểu dáng mới mẻ, lại sở hữu kết cấu, dàn mái bền vững, không kém trữ tình; 4) Cửu Tư Đài, xưa là nhà hát rất đẹp nhưng đã sụp đổ, hiện chân móng nằm sâu chừng 0,7m dưới lòng đất.

Cung An ĐỊnh và lưu niệm đức Từ Cung (Ảnh của Marguerite Bangtam)

Lăng vua Khải Định (Ứng Lăng) – xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng năm 1920 – 1931. Chỉ huy xây dựng: Tiền quân đô thống phủ Lê Văn Bá. Chủ trì: Nguyễn Văn Khả; Trang trí: Họa sĩ Phan Văn Tánh (phụ trách), Ký Duyệt, Cửu Sừng, Tôn Thất Sa, Huỳnh Văn Đại. Paul Ducuing thiết kế kiến trúc và thể hiện hai pho tượng Khải Định. Lăng tọa lạc trên miền núi Châu Chữ (Châu Ê). Vua Khải Định sinh năm 1885, lên ngôi năm 1916, trị vì được 9 năm thì mất năm 1925, thọ 40 tuổi. Ngay hồi còn tại vị, nhà vua đã tham khảo ý kiến các thầy địa lý cao tay ấn và quyết định xây dựng sinh phần của mình trên triền núi Châu Chữ. Nơi ấy tuy hiếm hoi mặt nước, nhưng tất cả núi đồi, khe suối của cả một vùng cẩm tú trác tuyệt quanh lăng cho thấy đích thị trúng cát huyệt, đủ cả tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ. Người được giao trọng trách đôn đốc thi công là Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá. Có thể xem toàn bộ vùng rừng núi Châu Chữ bao bọc bốn bề chính là vườn lăng và sự chiếm lĩnh trời đất liền mạch của lăng khiến cho nó trở nên hùng vĩ, tráng lệ giữa đại ngàn. Lăng Khải Định bố cục hoàn toàn đối xứng, cái bề thế gia tăng liên tục theo đường hướng thượng vượt lên 127 bậc đá. Quan hệ triều tẩm phân minh nhờ 5 tầng sân đóng khung cho mỗi nhóm kiến trúc đậm đặc, lớp lang theo trục thần đạo “thâu ngắn” (vì dốc ngược). Có thể xem đây là một kịch bản đặc biệt: Lăng không phải là tập hợp những gian điện với đường và vu mà gồm nhiều tòa nhà trông như những lâu đài bên châu Âu, lại thêm nhiều stoupa lai tạp Ấn – Miến – Thái… So với lăng của các vua trước thì lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn rất nhiều (117m x 48,5m), tức là chỉ vẻn vẹn 5.670m², nhưng xây dựng xa xỉ. Do công trình nằm trên núi cao rừng hiểm đòi hỏi ức vạn công của. Vua Khải Định đã xin phép nhà cầm quyền Pháp cho tăng 30% thuế điền cả nước để thêm tiền xây lăng. Các chất liệu quý đầu nhập từ nước ngoài: Vua Khải Định cử người sang Pháp mua sắt thép, xi măng, ngói ardoise. Lại cho thuyền bè sang Trung Hoa, Nhật Bản cất hàng gạch cảo, đồ sứ thượng hạng, thủy tinh màu… Tuy nhiên, các chất liệu ngoại nhập đều phải qua tay các nghệ nhân Huế, kể cả được chế tác lại để kiến tạo, trang trí mỹ thuật theo cách rất độc đáo. Thoạt nhìn thì thấy quần thể lăng Khải Định dường như bị phân lập với tự nhiên, nhìn xa các hạng mục hầu như không bị cây cối che khuất. Về sau nhìn lại mới thấy ý hay: Các nhóm kiến trúc lớp lang đâu ra đấy, dồn dập trên cao, lần lượt từ bốn hàng tượng, trụ biểu, bi đình… Khải Thành điện ở trên nữa, rồi kết thúc bằng Thiên Định Cung. Chế ngự tầng cao nhất là Thiên Định cung 5 gian, đằng trước Thiên Định cung là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định. Gian giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua và một phần ở phía dưới (trong lòng đất, nơi táng thi hài nhà vua). Hai bên bố trí hai phòng trực của lính hộ lăng. Gian sau cùng là điện thờ. Toàn bộ nội thất của ba gian giữa Thiên Định cung đều được phủ kín tranh ghép sành sứ và thủy tinh màu thể hiện tứ quý, bát bửu, ngũ phúc. Kể cả khay trà, mũ mãng, đồng hồ tây, vợt tennis cũng được bày ở đây. Những chất liệu khô cứng, rời rạc qua bàn tay tài nghệ của các xảo thủ đã trở thành những bức tranh, những tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy . Đặc biệt bửu tán tán lơ lửng trên trần Thiên định cung che tượng nhà vua trông vô cùng thanh thoát mềm mại, khiến người chiêm ngưỡng cứ ngỡ nó được bọc từ gấm lụa, đang khẽ lung linh trước làn gió thoảng mà quên đi rằng đó là một khối xi măng cốt thép nặng gần 500 kg. Nhà điêu khắc Paul Ducuing danh tiếng là người thể hiện tượng vua Khải Định; “Trong lăng Khải Định hiện nay có hai pho tượng bằng đồng tạc hình nhà vua với tỉ lệ 1/1: Một pho tượng ngồi trên ngai vàng và một pho tượng đứng. Sự có mặt của tượng vua trong lăng là một điều đặc biệt so với các lăng khác. Pho tượng ngồi trên ngai được thực hiện ở Paris vào năm 1920, do hai người Pháp là P. Ducuing (tạc tượng) và F. Barbedienne (đúc tượng). Trong lòng tượng rỗng nên không nặng lắm, sau khi chuyên chở về đến Huế thì mới mạ vàng bên ngoài. Còn pho tượng đứng thì đúc ngay tại Huế do một người lính thợ, quê ở Quảng Nam, thực hiện. Làm xong ông cũng được tặng hàm bát phẩm. Tượng này nguyên đặt trong ngôi nhà bát giác xinh xắn mang tên là Trung Lập Đình ở trong sân trước của cung An Định. Di hài vua Khải Định nằm sâu dưới pho tượng ngồi, năm xưa được đưa vào huyền cung qua đường tọai đạo ngầm dài 30m (lối vào chỗ sau nhà bia). Người Huế truyền tụng, ở các lăng khác có thể nghi hoặc thi hài có hay không có tại huyền cung, chứ ở lăng Khải Định điều này hoàn toàn chắc chắn”. Cho dù quá nhiều mảng miếng bố cục, chi tiết kiến trúc thuộc nghệ thuật khác nhau, nhưng ở lăng Khải Định nhìn chung nghệ thuật cung đình Huế vẫn chiếm thế mạnh. Khác hẳn với những lăng tẩm trước đó: Chủ yếu lấy cảm hứng trực tiếp từ nghệ thuật Đại Nội, lăng Khải Định khởi sự từ ngôi đền Việt cổ; cho thấy không chỉ người Pháp thiết kế các công trình mang tính pha trộn Âu-Á ấn tượng, đẹp đẽ mà chính người Việt Nam hoàn toàn kiến tạo những công trình tương tự, mà chất lượng không kém tinh hoa, trong một thể tài rất hóc búa là lăng tẩm của một ông vua thời Thực dân – Phong kiến. Khởi công năm 1920, nhưng tới 1931 lăng mới hoàn thành. Đầu những năm 1930, nhà khảo cổ kiêm học giả danh tiếng L. Bezacier đã ca ngợi mỹ thuật thời Khải Định là Tân – cổ điển (Neo – classicisme). Thế nhưng tình cảm của người Việt lại khác hẳn, hơn nửa thế kỷ lăng Khải Định bị công chúng chê bai, chì chiết. Ai đời kiểu dáng lẫn lộn Việt, Pháp, Champa, Khmer, Thái, Ấn, Miến, Trung Hoa chẳng biết đâu mà lần. Rối rắm quá thể! Những trụ hình tháp chẳng ra đàn tràng chẳng ra trụ biểu, nhà bia bát giác thì làm theo lối Romanesque và hàng rào trông cứ như hàng thánh giá. Rồi đâu đâu cũng phào chỉ, răng cưa, vòm cuốn trang trí kiểu rococo… Chắc lẽ mọi điều tiếng ấy sinh ra bởi người nước Nam ác cảm với “Con Rồng Tre” – ông vua bù nhìn Khải Định. Nhưng cái chính là những chiết trung và cách tân mới lạ quá đối lập với nghệ thuật cung đình Huế và truyền thống Việt khiến công chúng khó chia sẻ được kiến văn baroque của Khải Định, một ông vua có năng khiếu nnngheej thuật. Vả lại, thiên hạ bấy giờ mấy ai biết đến chủ nghĩa lập thể, họ châm chọc: Chân móng ngựa ở sân chầu hệt như mấy cái ống bơ sữa bò… Ngày nay việc đánh giá lăng Khải Định công bằng hơn. Nhiều học giả ghi nhận đó là sự đơm hoa kết trái hiếm có của những dung hợp kiến trúc Đông – Tây. Lại thêm bao lời ngợi ca phép màu của các xảo thủ thổ mộc, ghép sành sứ, thuỷ tinh màu, họa vẽ như Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng, Tôn Thất Sa, Nguyễn Văn Đại… Trong đó có họa sĩ Phan Văn Tánh, người đứng đầu nhóm nghệ nhân xây dựng, tô điểm lăng Khải Định. Ông Tánh được vua phong Bát phẩm Văn giai (dưới Tri huyện – thất phẩm, một trật) nhưng người Huế quen gọi người nghệ sĩ tài hoa ấy là Cửu Tánh, hay cụ Cửu. Cụ Cửu chính là tác giả bức đại họa Long Vân trên trần Thiên định cung. Màn mây màu khói chênh vênh hư ảo với Cửu long ẩn hiện đã làm nên bầu trời riêng của chốn âm cung, như một ranh giới dương thế – âm phủ mơ hồ, bảng lảng… Năm tháng qua đi dần dà thành kiến cũ được thay thế bằng thiện cảm mới đối với trúc lăng Khải Định.

Tháp nước TP Phan Thiết – Địa điểm: Phố Bà Triệu, P. Bình Hưng – TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Xây dựng năm 1937 – 1938, do kỹ sư Hoàng thân Xuphanuvông (1909 – 1995) thiết kế. Tháp nước Phan Thiết cao 32m đứng trụ lịch lãm trên bờ sông Cà Ty: Thân tháp là một khối hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22m, đường kính chân tháp 10m. Lầu đài (bồn nước) bên trên cũng hình bát giác, cao 5m, đường kính 9m. Lầu đài có ba tầng mái che lợp ngói móc. Đặc biệt ấn tượng là các ô chữ ghép la tinh U.E.P.T (Usine Des Eaux de Phan Thiet) trông rất giống tượng hình chữ phạn được ghép từ các mảnh sứ chén kiểu chạy quanh tháp.

Tháp nước TP Phan Thiết

Viện Hải dương học Nha Trang – Địa điểm: Số 1 Cầu Đá – TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Viện Hải dương học thành lập năm 1922, giám đốc đầu tiên là TS Krempt, người Đức. Đây là một trong số cơ sở nghiên cứu khoa học ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Viện Hải dương học Nha Trang tổng hợp và lưu trữ các dữ kiện địa chấn, chu kỳ hải lưu thủy triều vùng Biển Đông. Đến cuối thập kỷ 1960, bộ sưu tập của Viện đã vượt 60.000 mẫu vật thuộc hơn 4.000 loài sinh vật biển và nước ngọt cùng những mẫu vật sống nuôi thả trong các bể kính lớn và hồ cá Hải học viện.

Nhà thờ chánh tòa Nha Trang – Địa điểm: Ngã Sáu, trung tâm TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; năm xây dựng 1928 – 1941; thiết kế và chỉ huy thi công: Linh mục Louis Vallet. Khi người Pháp đến Nha Trang đã cho xẻ đôi núi Hòn Một. Nửa phía Tây của núi được san phẳng bởi 500 quả mìn để có diện tích 4.500m2 xây nhà thờ. Cái tên nhà thờ Núi cũng do đó mà có. Đứng nhìn từ xa, nhiều người vẫn lầm tưởng công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng bằng đá chẻ. Nhưng thực tế đá chẻ chỉ được dùng lát nền và sân, còn toàn bộ các bức tường nhà thờ xây bằng táp lô xi măng. Chính linh mục Louis Vallet cùng các cộng sự đã đúc nên các khối táp lô ấy. Riêng phần mái bằng của hành lang chạy dọc hai bên dược đổ bê tông cốt thép, còn mái vòm thánh đường làm xi măng lưới thép. Đặc biệt ở chỗ đan cốt tre cật với lưới thép mắt cáo. Kiểu dáng nhà thờ đậm phong thái gothic với mặt đứng phân vị thành ba tầng bậc (khớp với mặt bằng ba dãy dọc của nhà thờ này). Dưới cùng là các cửa ra vào, giữa là ô cửa sổ hoa hồng, trên cùng là hai dãy hành lang và tháp chuông nhô cao. Ba quả chuông đồng treo trên tháp chuông do hãng đúc Bourdon Carillond danh tiếng của Pháp thực hiện. Trong đó có một quả đúc năm 1934, hai quả đúc năm 1939. Trên tháp chuông có gắn một chiếc đồng hồ lớn, 4 mặt quay ra bốn hướng. Thánh đường rộng mênh mông.

Trang trí Nhà thờ Chánh tòa Nha Trang thực giản dị nhưng cung kính. 14 đường Thánh giá được mô phỏng bằng các bức họa treo lên các mặt tường. Kính màu lắp trên các cửa vòm, cửa sổ hoa hồng phủ lên thánh đường một màn sáng lung linh Thiên chúa. Các múi vòm tiêm cung như vút lên cao mãi…Cung thánh là không gian mở, rực rỡ cao quý. Nhà thờ chánh tòa Nha Trang nổi bật bởi vẻ hiên ngang vững chãi của một ngôi đền La Mã cổ, uy nghi ngự trị đầu non với bộ áo màu xám tro. Cái sang trọng độc đáo của nó cho đến hôm nay vẫn không hề phai mờ giữa muôn vàn công trình kiến trúc Thiên chúa bản địa. Có lẽ vì thế, trong các liệt kê những ngôi nhà thờ đẹp nhất Việt Nam xưa nay, bao giờ nhà thờ Chính tòa Nha Trang cũng thuộc số hàng đầu (Nguồn: Văn Giang, báo Khánh Hòa online ngày 23/12/2013).

Khu biệt thự Cầu Đá – Địa điểm: Núi Chụt (núi Cảnh Long), P. Vĩnh Nguyên – TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Xây dựng năm 1923 – 1925. Đây là cụm 5 biệt thự sang trọng, ban đầu là nơi ăn ở của các nhà Hải dương tiền trạm. Họ chuẩn bị cho họat động chính thức của Viện nghiên cứu Biển Đông Nam Á (thiết lập 1922, sau là Viện Hải dương học Nha Trang). Theo thứ tự từ mỏm núi Chụt 5 biệt thự là: Les Agaves (Xương Rồng), Les Frangipaniers (Hoa Sứ), Les Bouguinvilles (Hoa Giấy), Les Flamboyants (Phượng Vĩ), Les Badamniers (Cây Bàng). Nhà tên gì thì trồng cây nấy quanh vườn để dễ nhớ, dễ tìm. 5 biệt thự ở Cầu Đá kiến trúc cổ điển, hoa viên kiểu Pháp. Tuy kiểu dáng khác nhau, nhưng cả năm đều hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Sau ngày hoàn thiện khu biệt thự, năm 1925 người Pháp mới bắt tay xây dựng Viện Hải Dương Học. Từ 1940 – 1945 vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương thường đến nghỉ tại biệt thự Les Agaves và Les Frangipaniers, nên tên gọi Lầu Bảo Đại có từ đó. Biệt thự Les Agaves (Xương Rồng) có dáng hình hộp chữ nhật, cao hai tầng, cửa chính quay hướng Đông. Sân trước biệt thự có hai đường vòng theo hai hướng dẫn xuống chân đồi, đường vòng hướng Nam có bậc thang dẫn xuống bãi tắm “Hoàng hậu”, bên lối này có hòn đá tảng to nhô lên trên mặt nước, là nơi vua Bảo Đại ngồi tận hưởng thú vui câu cá. Biệt thự Hoa Sứ nằm trên đồi thứ hai cũng 2 tầng, dáng hình hộp chữ nhật. Biệt thự này quay về hướng Bắc, từ đây có thể trông rõ toàn cảnh Nha Trang. Hồi Bảo Đại còn qua lại biệt thự Hoa Sứ, thì tầng trệt của nhà này được dùng làm phòng họp, chiêu đãi quan khách. Tầng trên có các phòng nghỉ của nhà vua và hoàng hậu. Sân thượng là nơi đón gió, ngắm trăng lên. Sau 1954, gia đình Ngô Đình Diệm làm chủ hai biệt thự Xương Rồng và Hoa Sứ. Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân đặt tên mới là Nghinh Phong Vọng Nguyệt.

Quần thể Tòa giám mục và Chủng viện Thừa sai Kontum – Địa điểm: 56 Trần Hưng Đạo, phường Thắng Lợi – TP Kontum. Xây dựng năm 1933 – 1937. Thiết kế: Linh mục Jannin. Quần thể nằm trên một ngọn đồi, đó là một tòa nhà dài 100m, hoàn toàn bằng gỗ cà chớt, loại danh mộc có thể đương đầu với mối mọt, người Pháp gọi là gỗ sắt (bois de fer); gồm 2 tầng lầu và một tầng trệt. Các cột nhà được đặt trên bệ xi măng cao 2m. Theo thiết kế, chính giữa là nhà nguyện, hai cánh bên là nhà ở và các lớp học. Từ 1933 tiến hành xây dựng dãy nhà phía Đông (cánh trái); chính giữa là nhà nguyện, hai cánh hai bên là nhà ở và các lớp học. Thật không may, khi khung nhà vừa mới dựng lên thì một cơn lốc mạnh đó làm sập đổ hoàn toàn, đành làm lại từ đầu. Dãy nhà cánh trái và nhà nguyện được hoàn thành vào năm 1935. Còn dãy nhà bên phải, nhà nguyện tiếp tục được thi công, đến 1937 thì xong (Nguồn tài liệu: Phao lô Nguyễn Công Trương, lớp Triết II – Đại chủng viện Huế).

Xem thêm: 

Thay lời kết

Hậu thế không khỏi băn khoăn một điều: Bấy nay trong chúng ta không ít quý vị ham vơ kiến trúc Thuộc địa, kiến trúc phong cách Đông Dương, kể cả những công trình kiểu dáng “mô đéc”, hay những bản sao chép vụng về của chúng hồi cuối Thế kỷ 20 trên đất Việt vào một “rọ” chung tên “Kiến trúc Pháp”. Nghe chừng mát tai, nhưng không ổn – Vì thiết nghĩ chẳng qua đó là người ta nói theo bộp chộp hình thức, chưa kể không ít trường hợp trông gà hóa quốc. Trong khi bản thân người Pháp không và không bao giờ mệnh danh nền kiến trúc danh giá của họ, với vô vàn basilica, vòm cuốn liên hoàn, đầu cột các kiểu, fronton, mái đua, phào chỉ, điêu khắc trang trí mỹ miều ngồn ngộn những là đẹp đẽ xuất xứ từ La Mã là…kiến trúc La Mã! Nhưng dù thế nào, người cảm xúc vẫn có thể nhiệt thành trước di sản đồ sộ hàng trăm công trình, quần thể kiến trúc phong cách Đông Dương bất hủ khắp chợ cùng quê – những hiện thân của sự biến cải toàn diện và tận gốc kiến trúc đô thị Việt Nam cuối Thế kỷ 19 – đầu Thế kỷ 20. Nghệ thuật ấy đã và đang âm thầm truyền lại cho đời sau pho sử thi thiết kế và giáo khoa xây ựng đầy đủ tính khoa học và nghệ thuật. “Hồi quang” nghệ thuật Đông Dương như cảnh báo những người ham tán tụng cái gọi là kiến trúc Pháp tại Việt Nam theo lối tâm huyết mỹ thuật Paris, hoặc giả quá đi, dốc nghề riêng ăn đời ở kiếp với nghệ thuật thuộc địa. Tám thập kỷ bảo hộ, công lênh xây dựng cơ bản người Pháp làm được chừng ấy kể như đã to lớn, đã rất nhiều. Giờ thì, “ai oán trăm năm Bảo hộ đà lắng lại” – Và cũng đã lắng lại bản tụng ca kiến trúc phong cách Đông Dương biên soạn từ đầu thế kỷ trước, chẳng hề lẫn lộn điều tiếng vuốt ve hay ác khẩu.

KTS Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2024)

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.